Thứ Tư, 24 tháng 7, 2013

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 tăng ở mức vừa phải

CPI tháng 7 giữ được mức tăng vừa phải

Số liệu được Tổng cục Thống kê (TCTK) công bố ngày 24/7 cho thấy CPI tháng 7 chỉ tăng 0,27% so với tháng 6, giúp CPI 7 tháng qua của cả nước vẫn giữ được mức tăng thấp 2,68% so với tháng 12/2012 và tăng 6,81% so với bình quân 7 tháng cùng kỳ năm 2012.

CPI tháng 7 tăng ở 10/11 nhóm trong rổ hàng hóa chung với mức tăng từ 0,05-1,34%, trong đó mức tăng lớn nhất thuộc về nhóm giao thông, tăng thấp nhất là nhóm thuốc và dịch vụ y tế. Riêng nhóm bưu chính viễn thông không tăng.

Chỉ ra nguyên nhân tăng CPI tháng 7, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá TCTK Nguyễn Đức Thắng cho biết: Hai đợt điều chỉnh giá xăng dầu vào ngày 14/6 và 28/6 vừa qua đã làm cho chỉ số giá nhóm xăng dầu tăng 2,38% so với tháng 6 và nhóm này đã đóng góp vào CPI chung 0,09%.

Bên cạnh đó, tháng 7 là tháng trùng với kỳ thi đại học của cả nước và là tháng có nhiều hộ gia đình cho con em đi du lịch hè nên nhu cầu ăn uống ngoài gia đình, giải khát, đi lại, chỗ ở tăng cao khiến cho giá cả nhiều nhóm hàng trong rổ hàng hóa chung tăng giá, góp phần đẩy CPI chung tăng lên. Cụ thể, giá vé tàu hỏa đã tăng 5,06%; giá vé ô tô khách tăng 2,9%. Chỉ số giá nhóm du lịch trọn gói tăng 0,55%, nhóm khách sạn, nhà trọ tăng 0,44%.

Đặc biệt, việc điều chỉnh mức lương tối thiểu của khu vực hành chính, sự nghiệp từ 1.050.000 đồng lên 1.150.000 đồng kể từ ngày 1/7 không chỉ có tác động cải thiện sức mua của người tiêu dùng mà còn tạo ra hiệu ứng “lương tăng-giá tăng” của người bán hàng. Vì vậy, đây cũng là nguyên nhân khiến cho tốc độ tăng CPI tháng 7 cao hơn hẳn mức tăng 0,05% của CPI tháng 6.

Tuy vậy, CPI tháng 7 vẫn giữ được mức tăng vừa phải do nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống-nhóm chiếm tỷ trọng gần 40% trong Rổ hàng hóa chung chỉ tăng ở mức thấp 0,1%. Đặc biệt, nhóm thành phần là lương thực vẫn giảm 0,44% khi nguồn cung gạo dồi dào tiếp tục là “phanh hãm” đà tăng của CPI chung cả nước.

Trong tháng 7, giá vàng đã giảm 6,38% do giá vàng thế giới giảm mạnh nhưng giá vàng trong nước vẫn cao hơn giá vàng thế giới gần 5 triệu đồng/lượng.

Trái chiều với vàng, giá USD trên thị trường đã tăng 0,68% do nhu cầu ngoại tệ nhập khẩu nguyên nhiên liệu phục vụ sản xuất của doanh nghiệp tăng và nhất là sau điều chỉnh tỷ giá USD/VND của liên ngân hàng từ ngày 28/6 vừa qua. Theo đó, tỷ giá tăng từ mức 20.828 đồng lên 21.036 đồng/USD, với mức điều chỉnh này, trần tỷ giá tăng lên 21.246 đồng còn tỷ giá sàn là 20.826 đồng. Tại thị trường tự do, giá USD dao động ở mức 1 USD = 21.700 VND./.

Nguyễn Kim Anh