Chiến lược chỉ rõ kết quả đạt được, những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân; dự báo tình hình quốc tế, trong nước và sự phát triển của Quân đội; thời cơ và thách thức đối với công tác GD-ĐT trong Quân đội. Chiến lược nêu ra các quan điểm chỉ đạo và mục tiêu: Đổi mới toàn diện, tạo sự chuyển biến cơ bản, vững chắc về chất lượng, hiệu quả GD-ĐT và nghiên cứu khoa học trong các nhà trường. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật trong Quân đội có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; có tư duy sáng tạo, trình độ kiến thức, năng lực công tác đáp ứng yêu cầu của chiến tranh công nghệ cao; phong cách, tác phong dân chủ, chính quy, tinh thần đoàn kết; đạo đức, lối sống lành mạnh, sức khỏe tốt. Chiến lược cũng đề ra 8 giải pháp lớn phát triển GD-ĐT trong Quân đội. Bao gồm: Hoàn thiện quy hoạch hệ thống nhà trường quân đội, xây dựng các cơ sở giáo dục và đào tạo tiên tiến, có trọng điểm; Nâng cao chất lượng, thực hiện chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; Đổi mới quy trình, chương trình, nội dung và phương pháp dạy học; Đổi mới phương pháp thi, kiểm tra, tăng cường công tác đánh giá chất lượng giáo dục và đào tạo; Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, kết hợp chặt chẽ GD-ĐT với nghiên cứu khoa học; Chuẩn hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, thao trường bãi tập, giáo trình, tài liệu; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về đào tạo, tăng cường liên kết đào tạo, mở rộng đào tạo phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho giảng viên, giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, xây dựng chế độ, chính sách thu hút, tuyển chọn người có trình độ tốt vào đào tạo và phục vụ trong Quân đội. Chiến lược sẽ được triển khai thực hiện trong toàn quân theo hai giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 2013 đến năm 2015 và giai đoạn 2 từ năm 2016 đến năm 2020. TRỊNH THANH SƠN |