Thứ Tư, 24 tháng 7, 2013

Văn hóa trang phục của người Lô Lô



Sắc chàm trong trang phục nam

Trang phục nam giới Lô Lô truyền thống vẫn màu chàm chủ đạo, áo ngắn lưng, quần rộng ống thích nghi với tập quán sản xuất ở núi non và săn bắt hái lượm. Ngày nay, do cư trú xen kẽ và giao lưu rộng rãi nên nam giới Lô Lô ngả theo hướng có trang phục hòa đồng gần gũi với người Mông, người Tày trong vùng, nhưng cốt cách ăn mặc Lô Lô vẫn còn đậm nét.

Trang phục nữ đậm đà sắc núi

Nét độc đáo đậm đà bản sắc Lô Lô nhất được bảo tồn là ở trang phục phụ nữ Lô Lô Đen và Lô Lô Hoa từ kiểu cách cắt may, màu sắc và hoa văn họa tiết trang trí. Phụ nữ Lô Lô Đen vận áo váy màu chàm đen đậm đà sắc núi. Chiếc áo phúng có cổ hình vuông đủ để chui đầu. Nổi bật nhất ở phần lưng dưới cổ áo có một mảng hoa văn hình chim. Tay áo choàng và rộng tới gần ba mươi phân ghép bằng nhiều vòng vải khác màu thường là xanh, đỏ, vàng, tím. Khi đi lại cũng như lúc giao tiếp và sinh hoạt văn hóa những đường nét hoa văn này rất nổi trội và linh hoạt. Nơi thân áo cận kề với gấu áo được thêu hoa văn hình chim tạo thành những mảng màu đa sắc hình chữ nhật chạy quanh eo lưng vòng bụng vừa tỏ ra kín đáo vừa tỏ ra gợi cảm, nữ tính nổi trội.

Chiếc váy của người phụ nữ Lô Lô cũng rất đặc sắc bởi sự dài, rộng có hai lần chiết lề ở cạp váy và ở ngay đầu gối. Ngoài chiếc váy cầu kỳ khi ăn vận, người phụ nữ Lô Lô còn trùm phía sau phần váy bằng tấm vải đen gọi là lú xô hình chữ nhật. Dọc chân và hai sườn bên của tấm vải trùm Lú xô được thêu, đính những đồng tiền kẽm cúc nhựa đều đặn, chi tiết. Ở dây lưng phía hai đầu có buông dài những tua chỉ màu xanh đỏ sặc sỡ.

Phụ nữ Lô Lô Đen quấn xà cạp ống màu đen ở hai bắp chân và đội khăn đầu bằng vải chàm đen hai đầu khăn cũng buông dài những tua chỉ nhiều màu. Chạy dài theo hai mép khăn đều thêu những đường chỉ màu sặc sỡ. Chị em phụ nữ Lô Lô rất thích đeo nhiều vòng tay, vòng cổ nhất là trong dịp lễ hội, đón khách, giao lưu sinh hoạt cộng đồng.

Sự khác biệt giữa trang phục Lô Lô Đen và Lô Lô Hoa

Nếu nam giới Lô Lô Đen và Lô Lô Hoa có nhiều nét tương đồng trang phục thì ngược lại trang phục phụ nữ hai ngành Lô Lô lại có chiều hướng khác biệt. Phụ nữ Lô Lô Hoa vận áo cổ tròn xẻ ngực làm duyên. Dọc theo ngực áo, gấu áo và lưng áo chạy dài những miếng vuông hoa văn ghép vải hình tam giác. Nổi bật lên là những dòng chảy hạt cườm ngũ sắc đính theo gấu áo, mép vạt áo. Tay áo được ghép bằng nhiều vòng vải khác màu nom thật lạ mắt.

Không mặc váy như người Lô Lô Đen, phụ nữ Lô Lô Hoa mặc quần ống theo kiểu chân quê truyền thống có màu chàm đen. Quần của phụ nữ có thể hiện hoa văn ghép vải hình tam giác cân chắp thành những mảng vuông kế tiếp nhau chạy vòng xung quanh ống quần gần với gấu quần. Miếng vải trùm phía sau quần của họ cũng được trang trí sặc sỡ muôn màu hoa văn ghép vải hình tam giác cân đồng điệu với ống quần. Chiếc thắt lưng cũng được trang trí hoa văn ghép vải, đính những hạt cườm ngũ sắc tinh tế sặc sỡ. Chị em cũng thường quấn xà cạp bắp chân giống như phụ nữ Mông, Dao. Đặc biệt, chiếc đấu của họ rực rỡ hoa văn chắp hình in nhuộm bằng kỹ thuật sáp ong cầu kỳ, tinh xảo, khi vấn khăn đều thường để lộ ra.

Ngày lễ tết, chị em thường đeo nhiều vòng tay, vòng cổ bằng bạc. Trang phục nữ Lô Lô Hoa tuy gọn gàng giản dị hơn phụ nữ Lô Lô Đen nhưng không kém phần rực rỡ, cuốn hút. Vẻ đẹp trang phục ấy vẫn ngời lên những nét tài hoa dệt thêu, may vá, nhuộm màu của phụ nữ Lô Lô Hoa.

Sống giữa thiên nhiên bao la hùng vĩ và cũng rất khắc nghiệt với thử thách ghê gớm nhưng bản ngã Lô Lô vẫn được tôi luyện, tích tụ và bền chặt qua ngôn ngữ biểu đạt của văn hóa trang phục. Điều đó chứng tỏ người Lô Lô giàu bản lĩnh, đam mê chinh phục thiên nhiên, cảm thụ được sự hùng vĩ của thiên nhiên để làm nên vẻ đẹp bản sắc cho riêng mình.

Ngày nay, trước nhiều biến đổi của giao lưu hội nhập nhưng trang phục Lô Lô nhất là trang phục nữ vẫn được hiện diện bền bỉ và tỏa sáng như thể tâm hồn và cốt cách người Lô Lô mộc mạc mà giàu nhân cách, sâu sắc trong triết lí sống của mình.

Đồng bào Lô Lô cư trú ở vùng núi cao biên giới phía Bắc. Bà con sống thành từng cộng đồng rải rác ở các vùng Đồng Văn, Mèo Vạc (Hà Giang), Bảo Lạc (Cao Bằng), Mường Khương (Lào Cai) với hai ngành chính là Lô Lô Đen và Lô Lô Hoa.