Sinh ra ở vùng đất địa linh nhân kiệt, chỉ một khúc sông Đồng Nai thôi, mà đã sinh ra đến bốn bậc thi nhân lẫy lừng và hào sảng. Một thi tướng Huỳnh Văn Nghệ chọc nước khuấy trời miền Đông một thuở, một nhà văn kể chuyện đường rừng Lý Văn Sâm, một cây viết cần cù, một nhà quay phim đầy trách nhiệm Hoàng Văn Bổn và một nhà văn đi giữa hai làn nước đục trong với những tác phẩm còn mãi với thời gian Bình Nguyên Lộc. Bốn người lúc khởi thủy cùng đi một hướng, chỉ sau chín năm kháng chiến, khi thời cuộc đẩy đưa, hai người tham gia trong đội quân tập kết (Huỳnh Văn Nghệ và Hoàng Văn Bổn), còn hai người ở lại Sài Gòn tiếp tục sống với cây súng là ngòi bút của mình (Lý Văn Sâm và Bình Nguyên Lộc). Mỗi người tùy vị trí của mình, bước vào cuộc kháng chiến mới trong tâm thế và tư thế khác nhau. Bình Nguyên Lộc trong tâm thế của người dinh tê, rời bỏ kháng chiến trong thế đặng chẳng đừng, trở về thành nặng công việc áo cơm, nhưng cũng không quên những bạn bè một thời “nóp với giáo”, nhận ra và giúp đỡ họ bằng những công ăn việc làm thiết thân và vững chãi. Lý Văn Sâm từ chuyện là anh cán bộ cơ sở ở Biên Hòa, bị Pháp bắt tạm giam một thời gian, sau lên Sài Gòn tiếp tục hoạt động trong Lực lượng Công an Sài Gòn cùng với nhà thơ Hoàng Tấn và liên tục giới thiệu với bạn đọc miền Nam những tác phẩm văn học thuộc nhiều đề tài của mình trong những năm từ 1947 đến 1950. Sau đó ông được điều ra vùng kháng chiến và hòa bình 1954 trở lại Sài Gòn tiếp tục sứ mệnh chiến đấu cao cả của mình bằng ngòi bút giữa trùng vây kẻ thù, và một năm sau ngày ký kết Hiệp định Geneve đã bị xộ khám với tội danh “Cộng sản nằm vùng” thông qua truyện ngắn có tên là Chuông rung trên tháp đổ dưới bút danh là Bách Thảo Sương. Vào tù đúng một năm, ông cùng một số bạn tù tổ chức tham gia cuộc phá ngục lớn, đưa hàng trăm người của kháng chiến cũ bị giam cầm trong nhà lao Tân Hiệp, Biên Hòa trở về với kháng chiến, với cách mạng đang nhen nhóm từ trong rừng sâu hay trên rẻo cao. Cuộc vượt thoát cho dù có trả giá đắt nhưng cũng đã thành công, và Lý Văn Sâm lại trở về với đồng đội của mình một cách chính danh là người kháng chiến. Cuộc vượt thoát của Lý Văn Sâm, của Viễn Phương đã thành công, nhưng đồng đội chiến đấu cùng chiến tuyến với ông là nhà báo - nhà văn Dương Tử Giang thì đành nằm lại với núi rừng Biên Hòa ngàn năm gió thổi. Cuộc vượt ngục thắng lợi không những đã mang về cho cách mạng những chiến sĩ ưu tú trên mặt trận văn nghệ của mình mà còn mở ra một chân trời mới, một tổ chức mới, đó là sự hình thành Hội Văn nghệ Giải phóng miền Nam Việt Nam và nhà văn Lý Văn Sâm đảm nhiệm chức vụ Tổng thư ký đầu tiên của Hội. Những năm tháng ở Ban Tuyên huấn Trung ương Cục - nghĩa là những năm tháng ở rừng, ông không nề hà bất cứ công việc gì. Từ làm chính trị viên Đoàn Văn công Giải phóng thuở ban đầu đến khi thành lập Hội Văn nghệ Giải phóng năm 1963 thì đảm nhiệm chức vụ Tổng thư ký đầu tiên, hay khi Mặt trận cần tổ chức chính phủ hợp pháp cho chính thể Cộng hòa miền Nam Việt Nam năm 1966 thì ông sẵn sàng đóng vai Vụ trưởng Vụ Nghệ thuật trong Bộ Văn hóa cho đủ mâm đủ bát. Sau ngày giải phóng, ông đảm nhiệm chức vụ Phó tổng thư ký Ủy ban Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa 3, đại biểu Quốc hội khóa 4 hay Chủ tịch đầu tiên của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đồng Nai. Dù ở cương vị nào, người ta cũng dễ dàng nhận ra ông, một con người nhẹ nhàng từ tốn trong dáng đi, cách nói và cả trong công việc điều hành. Vẫn trên môi luôn lập lòe điếu thuốc, vẫn cái vóc dáng khiêm nhường, chú Hai Lý Văn Sâm là hình ảnh khó quên trong lòng những người hoạt động văn học nghệ thuật ở Đồng Nai nói riêng, ở miền Đông Nam Bộ và cả Nam Bộ nói chung. Nhờ có ông cùng nhà văn Hoàng Văn Bổn mà so với các tỉnh miền Đông Nam Bộ, Đồng Nai đã trở thành một vườn ươm văn học. Ở đó sau năm 1975, đã xuất hiện thế hệ nhà văn mới với những sục sôi đầy tâm huyết như Nguyễn Đức Thọ, Khôi Vũ (Nguyễn Thái Hải), Phạm Thanh Quang, Đàm Chu Văn, Nguyễn Một, Thu Trân, Bùi Quang Huy và nhiều người khác nữa. So với những nhà văn cùng thời đã từng có thời gian hoạt động trong ngành công an thời kỳ đầu kháng chiến như Đoàn Giỏi, Hoàng Tấn thì Lý Văn Sâm có gương mặt của một người trí thức ưu thời mẫn thế. Vẻ nhã nhặn trong cách đi dáng đứng, trong hành xử giao tiếp phần nào thể hiện được tính cách của ông, một người viết lớn lên từ miền Đông, trông rất thanh tao nhưng vô cùng cường tráng. Có thể nói Lý Văn Sâm là nhà văn Nam Bộ duy nhất viết chuyện đường rừng trong giai đoạn cuối của Tự lực văn đoàn khi Lan Khai, Tchya Đái Đức Tuấn (miền Bắc) đã tạo nên một nền móng vững chắc cho thể loại văn học này. Chuyện đường rừng của Lý Văn Sâm mang đầy màu sắc thơ mộng với cảnh núi non rừng đồi hoang vu bát ngát, có những cuộc đời nông dân cơ cực, những luật tục đáng tự hào, những chuyện tình éo le ít nhiều hơi hướng hoang dã và tự nhiên trong Kòn Trô, Sương gió biên thùy hay Rồng bay trên núi Gia Nhang. Những con người trong tác phẩm của Lý Văn Sâm là những nhân vật trí thức nửa vời, tròng trành trước thế cuộc với nhiều chọn lựa được hơn, nhưng cuối cùng còn giữ được chút lòng son để về với nhân dân, về với cộng đồng trong niềm tin chính nghĩa. Khác với thi tướng Huỳnh Văn Nghệ chọn con đường binh nghiệp, Lý Văn Sâm đã chọn con đường viết văn như một cách tham gia tích cực vào công cuộc cách mạng của dân tộc. Từ “quê hương rừng thẳm sông dài” (tên một tác phẩm hồi ký tuổi thơ của Huỳnh Văn Nghệ), Lý Văn Sâm đã đến Sài Gòn, ra đi và trở lại Sài Gòn với tư cách một người viết văn, không hơn không kém. Cho dù sau năm 1975 ông ở tại Sài Gòn và về quê Đồng Nai làm quan văn nghệ, ông vẫn được xem là một nhà văn Đồng Nai kiệt xuất trong tứ trụ một thời. Những năm kháng chiến chống Pháp, trong vòng kìm kẹp của kẻ địch, bằng sức viết cường tráng của mình, Lý Văn Sâm đã công bố nhiều tác phẩm có giá trị đương thời thuộc nhiều thể tài như mảng truyện đường rừng, mảng cuộc sống đô thị và mảng cuộc sống kháng chiến. Có thể nói, bằng bút lực tự thân của một người viết xuất thân từ vùng đồng rừng trù phú, Lý Văn Sâm đã miệt mài với chữ nghĩa để tạo nên những hình tượng văn chương thơ mộng, đẹp đẽ mà không kém phần lung linh, thi vị. Những nhân vật tiểu tư sản hay tầng lớp nghèo thành thị trong mảng truyện đô thị của ông thường vật lộn với cuộc sống khó nhọc, có thân phải biết giữ thân, mà vẫn canh cánh bên lòng nỗi ưu tư về thế thời, về đất nước. Những truyện ngắn nhưNgoài mưa lạnh, Ngàn sau sông Dịch, Mưa Sài Gòn hay Nắng bên kia làng, Tàn một đời thơđã phần nào nêu lên được những hiện thực sống động của cuộc sống đô thị luôn bị kìm hãm nhưng vẫn sáng ngời ý chí tự tôn, tự tin. Về mảng đề tài chuyện kháng chiến, có thể nói Lý Văn Sâm đã thật sự nhuần nhuyễn trong cách diễn đạt để vẫn nói về những người trong rừng kháng chiến mà kẻ thù không thể vu cho ông tội tuyên truyền chống chế độ được. Hình ảnh người du kích, chị cứu thương, và những hoạt động trong vùng kháng chiến được tác giả cài cắm vào trong các tác phẩm nhưNắng bên kia làng, Mây trôi về bắchayHoàng hôn sắc tím... Đã phần nào giúp cho người đọc thành thị hiểu người kháng chiến và cuộc chiến đấu chính nghĩa của họ. Từ khi vào rừng lần hai trong kháng chiến chống Mỹ, Lý Văn Sâm không viết nhiều. Có lẽ công việc của một cán bộ tuyên huấn với nhiều thứ phải lo đã làm cho con người văn học trong ông không còn những bay bổng cần thiết để dành cho sáng tác. Nhưng những gì ông để lại trong thời kỳ sống và viết dưới giá treo cổ những năm 1947 - 1950 đã tạo nên một hình tượng Lý Văn Sâm không thể phai nhạt trên văn đàn. Nói như nhà văn Sơn Nam - một người Nam Bộ viết văn khác, một người mà sau ông gần chục năm cũng lại kiếm sống giữa Sài Gòn bằng nghiệp văn chương, đã nhận xét: “Nếu không có Lý Văn Sâm, văn học ta chịu một thiệt thòi lớn, không gì bù đắp nổi”. Dù đã đọc văn ông từ lâu, nhưng mãi đến những năm cuối của thập niên tám mươi thế kỷ trước, tôi mới biết về ông - Lý Văn Sâm. Lúc đó ông đã nghỉ hưu, không còn công tác ở Hội Văn nghệ Đồng Nai nữa, mà chỉ còn là hội viên lão thành của Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh. Chú Hai Lý thi thoảng cũng ghé Hội, lúc ở 81 Trần Quốc Thảo, quận 3, lúc đến 62 Nguyễn Văn Đậu, quận Bình Thạnh, nói dăm câu ba điều một cách vui vẻ, không câu nệ tuổi tác cách biệt xa vời. Có lẽ ông cũng là nhà văn hội nhập vào cuộc đổi thay khá sớm trong các nhà văn thành phố khi quyết định biến căn villa trên đường Trương Quốc Dung, quận Phú Nhuận của mình thành nhà cho người nước ngoài thuê. Ông bà thu hẹp chỗ ở của mình lại một góc nhà, dành sự rộng lớn của căn villa cho người ngoài ở. Những năm cuối đời, tuổi già cộng với tai biến đã không cho phép ông vượt qua tuổi tám mươi. Nhưng dù sao ông cũng đã đón được năm đầu tiên của thế kỷ 21 được hơn tám tháng (ông mất ngày 14/9/2000), và sau đó được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Nhà nước năm 2006. Dù làm quan cao chức trọng hay cuối đời làm một nhà văn bình thường thì Lý Văn Sâm vẫn là người một mình kể chuyện đời giữa vòng vây bủa. Và chính những năm tháng ấy đã để lại cho chúng ta một Lý Văn Sâm - nhà văn. Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 7/2013 |